TIN TỨC

Mong chờ dự án Xa lộ nước Long Thành
Hiện nay, bình quân tỷ lệ người dân dùng nước máy toàn tỉnh mới đạt 34%. Cùng với đó tỉnh có chủ trương chuyển sang dùng nước mặt để bảo vệ nguồn nước ngầm. Vì vậy, việc triển khai các dự án cấp nước sạch từ nguồn nước mặt là cần thiết.
Bảo dưỡng hệ thống máy bơm nước tại nhà máy của Công ty CP Cấp nước Gia Tân (H.Thống Nhất), thuộc Công ty CP Nước - môi trường Bình Dương. Ảnh: H.Lộc
Bảo dưỡng hệ thống máy bơm nước tại nhà máy của Công ty CP Cấp nước Gia Tân (H.Thống Nhất), thuộc Công ty CP Nước - môi trường Bình Dương. Ảnh: H.Lộc

Tuần qua, UBND tỉnh đã làm việc với đơn vị đề xuất dự án Xa lộ nước Long Thành.

* Số hộ dân dùng nước máy còn thấp

Theo Sở Xây dựng, nhiều khu vực, cả đô thị lẫn nông thôn, nước sạch đang ngày càng trở lên bức thiết do nguồn nước ngầm ngày một khan hiếm và chất lượng suy giảm.

Theo ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, có nhiều lý do dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng nước máy đạt thấp. Về quy hoạch, đặc thù công trình cấp nước có tuyến ống đi qua nhiều địa bàn, có trạm bơm tăng áp, các quy định hiện hành chỉ thành phố trực thuộc Trung ương mới có quy hoạch riêng cho lĩnh vực cấp nước. Do đó, một số dự án đang chờ quy hoạch tỉnh mới bổ sung được. Pháp luật đầu tư hiện chưa thể hiện rõ công trình cấp nước có sử dụng đất sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay chỉ định thầu dẫn đến có trạm bơm nhiều năm chưa giải quyết được thủ tục về đất.

 
 

Nghị định 117/NĐ-CP ban hành năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (còn hiệu lực) quy định, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị thực hiện dịch vụ vô hình trung tạo ra tính độc quyền, không có sự cạnh tranh. Dẫn chứng là khu vực người dân có nhu cầu nhưng đơn vị được phân vùng chưa có kế hoạch hoặc chậm đầu tư thì nhà đầu tư khác cũng không thể vào được.

Từ những tồn tại trên, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đã kiến nghị Bộ Xây dựng không nên khống chế chỉ thành phố trực thuộc trung ương mới được lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật độc lập mà các tỉnh có thể có lập quy hoạch hạ tầng riêng cho từng lĩnh vực. Sửa đổi quy định về phân vùng cấp nước làm sao để nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án mà vẫn có sự cạnh tranh để người dân sớm có nước sạch.

Dự án Xa lộ nước Long Thành do Công ty CP nước - môi trường Bình Dương đề xuất có công suất 60 ngàn m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5,2 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu là cấp nước cho H.Long Thành, H.Cẩm Mỹ và vùng lân cận.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các nhà đầu tư đóng giếng khoan, chuyển sang dùng nước mặt. Chẳng hạn, khai thác nước mặt để sản xuất nước sạch sẽ được giảm thuế, vay vốn lãi suất ưu đãi còn sử dụng nước dưới đất bị đánh thuế cao. 

* Nên thực hiện nhanh dự án Xa lộ nước Long Thành

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh, ông Mai Song Hào, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nước - môi trường Bình Dương cho biết, 2 năm trước đã đề xuất thực hiện dự án Xa lộ nước Long Thành. Dự án có quy mô công suất 60 ngàn m3 nước/ngày nhằm phục vụ nhu cầu nước sạch cho nhân dân, các hoạt động kinh tế của tỉnh. Dự án lấy nước từ sông Đồng Nai nên phù hợp với chủ trương sử dụng nước mặt của tỉnh.

Nhà máy nước Gia Tân của Công ty CP Nước - môi trường Bình Dương tại Đồng Nai
Nhà máy nước Gia Tân của Công ty CP Nước - môi trường Bình Dương tại Đồng Nai

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, triển khai được sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân và các khu công nghiệp mới khu vực H.Long Thành, H.Cẩm Mỹ và vùng phụ cận. Để có cơ sở triển khai dự án này, cần sớm phê duyệt quy hoạch tỉnh, bổ sung dự án Xa lộ nước Long Thành vào quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, nhà đầu tư rà soát lại  phạm vi vùng phục vụ để tránh chồng lấn với các hệ thống hiện hữu.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, vướng mắc lớn nhất của dự án này là diện tích 18 ngàn m2 đất làm trạm bơm tăng áp số 2 tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) chưa phù hợp quy hoạch xây dựng phân khu D1. TP.Biên Hòa thống nhất lại với chủ đầu tư quy mô, vị trí trạm bơm tăng áp và cập nhật vào quy hoạch chung TP.Biên Hòa đang trong quá trình lập điều chỉnh.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, dự án trên đã được Tỉnh ủy đưa vào danh mục dự án trọng điểm, nhằm đảm bảo nước sạch cho người dân, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ nguồn nước ngầm. Do đó các sở, ngành, địa phương hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định. Về phía đơn vị đề xuất dự án phối hợp với TP.Biên Hòa tính toán lại quỹ đất theo hướng tiết kiệm để đảm bảo khả thi trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tương tự, tính toán lại quỹ đất cần sử dụng tại H.Vĩnh Cửu và H.Long Thành phù hợp các quy hoạch. Nhà đầu tư phối hợp với các sở và UBND các địa phương nơi có tuyến ống nước đi qua xem xét sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, tính khả thi của việc đầu tư tuyến ống làm cơ sở triển khai đồng bộ dự án.

Sau khi tháo gỡ các vướng mắc về quy mô dự án, tổng mức đầu tư, Sở KH-ĐT thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh mục dự án để công khai mục tiêu đầu tư, mời gọi nhà đầu tư quan tâm.

Hoàng Lộc

đăng: 10:45 25-09-2023   |    tác giả: Hoàng Lộc   |    xem: 541